Altcoins Talks - Cryptocurrency Forum

Local => Diễn đàn tiền điện tử - Việt (Vietnamese) => Tự do => Topic started by: sirhieu1 on March 14, 2021, 05:09:57 PM

Title: Mobile Money và cuộc cách mạng không tiền mặt ở các nước
Post by: sirhieu1 on March 14, 2021, 05:09:57 PM
Từ chục năm trước, người dân ở Đông Phi đã chuyển tiền và thanh toán dù không có tài khoản ngân hàng nhờ vào việc phát triển Mobile Money.

Mobile Money đang sắp được thí điểm ở Việt Nam nhưng lại không mới ở nhiều thị trường khác, vốn được hiểu là dịch vụ tiền di động do doanh nghiệp viễn thông phát triển.

Hơn chục năm trước, tại Kenya, hơn 300 triệu người trưởng thành chưa tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống. Con số này đặt ra yêu cầu bức thiết Kenya phát triển "ngân hàng không chi nhánh", "chuyển tiền di động" hay "ngân hàng di động trực tuyến".

Nắm bắt vấn đề này, năm 2007, hãng viễn thông lớn nhất ở Kenya hợp tác với Vodafone đã triển khai dịch vụ M-Pesa, cho phép người dân gửi tiền toàn quốc bằng thuê bao di động mà không cần tới tài khoản ngân hàng.

Ban đầu, nhiều người lo ngại dự án về tính an toàn của dự án M-Pesa khi không có sự tham gia của ngân hàng nào, vì vậy họ cho rằng không nên cấp phép. Tuy nhiên, M-Pesa đã chứng minh được mô hình của mình.

Đại lý của M-Pesa định danh khách hàng (KYC) trên hệ thống với những thông tin bắt buộc như họ tên, số ID, ngày tháng năm sinh... Các giao dịch như mở tài khoản Mobile Money, rút tiền, nộp tiền phải thực hiện tại đại lý của M-Pesa và những người kể cả đã là khách hàng của M-Pesa cũng phải xuất trình chứng minh nhân dân khi muốn nộp, rút tiền tại đại lý. Về cơ bản, những tiêu chuẩn về định danh khách hàng của M-Pesa không khác gì nhiều so với ngân hàng.

(https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/03/14/Giao-dich-dung-M-Pesa-tai-Keny-2369-9774-1615677794.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dNLSMEL0YYmj1luNUrZwdg)

Chuyển tiền bằng trên M-Pesa bằng điện thoại Nokia vào những năm 2008. Ảnh: Vodafone.

Nhờ đáp ứng được các yêu cầu về pháp lý và xoá bỏ lo ngại về biện pháp phòng chống rửa tiền, M-Pesa nhận được giấy phép đặc biệt để triển khai Mobile Money, dù họ không phải là ngân hàng.

M-Pesa cũng dự kiến được nới lỏng các quy định về định danh khách hàng theo các giới hạn giao dịch. Những người dùng giao dịch số tiền nhỏ dưới mức tối thiểu sẽ không phải KYC khắt khe như những người giao dịch với số tiền lớn hơn.

Tới năm 2018, M-Pesa đánh dấu một cột mốc mới khi hợp tác với Western Union, cho phép hàng chục triệu người dùng M-Pesa ở Đông Phi có thể chuyển khoản tại các đại lý toàn cầu của Western Union tại hơn 200 quốc gia.

(https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/03/14/Screen-Shot-2020-06-11-at-3-13-7631-4208-1615677794.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=M9GvdHvp_a7q2BI8vS0Kvg)

Màn hình giao dịch của m-Pesa thời gian đầu

Không chỉ tại Kenya, Mobile Money cũng rất thành công ở Indonesia. Khi Mobile Money mới triển khai ở Indonesia vào 2007, đại lý phải được Ngân hàng Trung ương Indonesia cấp giấy phép mới có thể nộp rút tiền cho khách hàng. Lúc đó, mỗi hãng viễn thông chỉ có khoảng 25 cửa hàng được cấp phép trên cả nước khiến Mobile Money vẫn phát triển rất cầm chừng.

Cho tới tận 2013, Indonesia mới "mở van" để dịch vụ này phát triển mạnh mẽ hơn khi cho phép tất cả đại lý của nhà mạng nộp, rút tiền cũng như mở tài khoản cho khách hàng. Thậm chí, các hãng viễn thông còn hợp tác với nhau để cho phép chuyển tiền giữa các tài khoản liên nhà mạng. Ví dụ, một người dùng sim Telkomsel TCash có thể chuyển tiền cho chủ sim Indosat Dompetku.

Năm 2017, Ngân hàng Trung ương Indonesia một lần nữa cho phép nới lỏng định danh theo mức độ rủi ro của khách hàng. Những người không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ vẫn có thể mở tài khoản nếu họ được xếp vào diện rủi ro ít.

Một ví dụ khác có thể kể đến là Ecocash ở Zimbabwe. Chỉ trong vòng 18 tháng vận hành từ năm 2012, hơn 30% người trưởng thành ở Zimbabwe đăng ký Ecocash, vượt qua con số của các tài khoản ngân hàng truyền thống có mặt tại nước này cộng lại.

Ecocash được phát triển bởi công ty con thuộc hãng viễn thông lớn nhất của Zimbabwe là Econet Wirleless. Ecocash hợp tác với các tổ chức tài chính Zimbabwe để cho phép link tài khoản ngân hàng với Mobile Money, giúp những người có tài khoản ngân hàng có thể chuyển tiền cho những người không có tài khoản ngân hàng bằng Ecocash. Theo đó, những người ở thành thị có thể chuyển tiền về quê theo cách này.

Tuy nhiên không phải mọi thứ đều êm đẹp theo cách này. Tới năm 2019, Zimbabwe đã yêu cầu dừng việc rút tiền và nạp tiền điện thoại di động, do một số đại lý lạm dụng việc rút tiền một cách bất hợp pháp và làm tổn hại đến hệ thống thanh toán quốc gia.

Trước tình trạng thiếu hụt tiền mặt và lạm phát ở nước này lên tới con số 300%, nhiều người đã thực hiện các giao dịch online và khi cần tiền mặt, họ thường đến đại lý viễn thông và rút tiền mặt ra với khoản hoa hồng lên tới 50%. Có nghĩa là, một số đại lý viễn thông lợi dụng tình trạng khan hiếm tiền để đẩy mức phí giao dịch lên cao ngất ngưởng khiến cho số dư trong tài khoản Mobile Money có giá trị gấp đôi so với tiền mặt.

Chính phủ Zimbabwe đã bị chỉ trích nặng nề vì việc vô hiệu hóa các tùy chọn rút tiền và nộp tiền vào tài khoản Mobile Money. Ngoài ra, ngành tài chính của đất nước này cũng đã bị xáo trộn, gặp khó khăn do thiếu hụt ngoại tệ trong các kênh chính thức và sự thiếu hụt tiền mặt từ các ngân hàng.

Sau đó, Ngân hàng trung ương Zimbabwe đã xoá bỏ lệnh cấm này và hứa sẽ tăng cường các cơ chế giám sát để ngăn chặn "lạm dụng hệ thống thanh toán". Tuy nhiên, ngân hàng trung ương đã giới hạn số tiền rút tiền mặt đối với tài khoản Mobile Money.

Về mặt cơ chế, các nước có cách kiểm soát khác nhau như Indonesia khắt khe ban đầu và nới lỏng dần sau đó, ngược lại với Zimbabwe. Nhưng qua hơn chục năm phát triển, các hãng viễn thông cũng đã một phần minh chứng họ có thể cung cấp dịch vụ tài chính trong các môi trường biến đổi và nhiều thách thức khi tạo ra mạng lưới được đào tạo tốt, quy trình chuẩn chỉ.

Vnexpress