Altcoins Talks - Cryptocurrency Forum

Local => Diễn đàn tiền điện tử - Việt (Vietnamese) => Tin tức tiền điện tử => Topic started by: MrSpasybo on January 24, 2022, 06:06:54 PM

Title: 3 lý do tại sao Polkadot không dẫn đầu trong cuộc đua layer 1
Post by: MrSpasybo on January 24, 2022, 06:06:54 PM
Năm 2021 là một năm “trưởng thành” đối với nhiều giao thức blockchain layer 1 (L1) vì sự phát triển vượt bậc của tài chính phi tập trung và các token không thể thay thế buộc người dùng phải tìm kiếm giải pháp khác ngoài mạng Ethereum. Trong thời gian gần đây, phí cao và tắc nghẽn mạng liên tục trên blockchain hợp đồng thông minh lớn nhất khiến nhiều người dùng gặp khó khăn. Nhân cơ hội đó, những giao thức như Fantom, Avalanche, Cosmos đạt được giá trị token tăng vọt và hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ khi năm 2021 kết thúc. Tuy nhiên, các dự án phổ biến như Polkadot lại hoạt động kém hiệu quả bất kể nhiều người rất kỳ vọng vào giao thức đa chuỗi shard này.

(https://d3f5j9upkzs19s.cloudfront.net/wp-content/uploads/2022/01/DOTUSDT_2022-01-23_09-53-40-718x420.png)
Biểu đồ FTM/USDT, AVAX/USDT, ATOM/USDT, DOT/USDT hàng ngày | Nguồn: TradingView

Ngoài số lượng giao dịch mỗi giây và thời gian xử lý giao dịch của mỗi giao thức, dưới đây là một số yếu tố góp phần gây ra hiệu suất chậm hơn cho DOT khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh L1 khác.

Khả năng tương tác là một yếu tố quan trọng
Một trong những chủ đề chính của năm 2021 là khả năng tương tác chuỗi chéo giữa các mạng blockchain riêng biệt, trong đó cầu nối đến Ethereum là kết nối quan trọng nhất cần thiết lập do phần lớn các dự án hiện đang chạy trên mạng này.

Các giao thức như Fantom, Binance Smart Chain, Avalanche và Harmony đã phát triển các cầu nối chuỗi chéo và điều này thúc đẩy giá token, tổng giá trị bị khóa và hoạt động on-chain của họ gia tăng đáng kể.

Mặc dù Polkadot được thiết kế đặc biệt để cung cấp hỗ trợ đa chuỗi như một giao thức meta “layer 0” nhưng không có bản phát hành cầu nối chính nào giữa Polkadot và Ethereum vào năm 2021. Do vậy, giao thức không được các trader tương tác với DeFi và NFT ưa chuộng.

Tương tự như vậy, Cosmos cũng không có bản phát hành cầu nối chính giữa hệ sinh thái của nó với Ethereum, nhưng đã có những tích hợp nhỏ như bổ sung ETH làm tài sản thế chấp trên Terra, chứng minh rằng khả năng tương thích chuỗi chéo là khả thi.

Chậm ra mắt cuộc đấu giá parachain
Khi năm 2021 kết thúc, tất cả các mạng được đề cập trên đều hoạt động tốt và tương tác đa giao thức, trong khi các dự án trên Polkadot vẫn đang loay hoay hoàn thiện các bước chuẩn bị để khởi chạy trên mainnet.

Điều này một phần là do các cuộc đấu giá parachain trên Polkadot chỉ mới bắt đầu vào ngày 11/11. Moonbeam (GLMR), một parachain hợp đồng thông minh tương thích với Ethereum, giành được vị trí đầu tiên.

Giá DOT tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 55 đô la vào ngày 4/11 khi những người quan tâm đến các cuộc đấu giá parachain khóa token của họ, nhưng vào thời điểm các cuộc đấu giá chính thức bắt đầu, giá của nó giảm xuống mức thấp 18,16 đô la hôm nay.

(https://d3f5j9upkzs19s.cloudfront.net/wp-content/uploads/2022/01/DOTUSDT_2022-01-23_10-04-59-718x420.png)
Biểu đồ DOT/USDT | Nguồn: Tradingview

Theo thông báo, Moonbeam chính thức hoạt động trên mạng Polkadot vào ngày 11/1 và đạt được hơn 1 triệu giao dịch khi người dùng có thể chuyển token ERC-20 vào hệ sinh thái Polkadot.

Giá của DOT tăng nhẹ sau khi ra mắt Moonbeam nhưng một lần nữa lại giảm xuống dưới 25 đô la.

Lợi ích của việc nắm giữ DOT
Yếu tố thứ ba có thể ảnh hưởng đến mức độ phổ biến và giá cả của DOT là sự nhầm lẫn về việc token được sử dụng để làm gì và nó mang lại lợi ích gì cho holder.

Người dùng Quinten François tweet:

“Suy nghĩ về việc bán DOT của tôi. Tôi không còn thấy mục đích của dự án nữa, nhiều dự án thú vị xây dựng trên đó đã chuyển sang Polygon. Tại sao tôi phải HODL DOT?”

Trên nhiều mạng cạnh tranh, token gốc được sử dụng để thực hiện các tác vụ hợp đồng như chuyển hoặc hoán đổi token trong khi những giao thức trong hệ sinh thái Polkadot sử dụng token gốc để thanh toán gas.

Ngoài việc được sử dụng token để tham gia đấu giá parachain, các trường hợp sử dụng chính của DOT là staking để hỗ trợ hoạt động cũng như bảo mật mạng và bỏ phiếu quản trị.

Mặc dù các tính năng quản trị là quan trọng đối với tình hình tổng thể của giao thức trên blockchain, nhưng người dùng trung bình vẫn chưa thể hiện nhiều nhiệt tình trong việc tham gia bỏ phiếu và quan tâm nhiều hơn đến những khía cạnh như game, DeFi và NFT.

Nhiều giải pháp layer 1 đang tung ra các chương trình khuyến khích thanh khoản và nhà phát triển, đồng thời các giao thức DeFi mới và sắp ra mắt mang lại cơ hội staking lợi suất cao. Hiện tại, DOT đưa ra mức tỷ lệ phần trăm hàng năm 13,94% cho các staker và có thể là không đủ để đáp ứng nhu cầu của yield farmer (người canh tác lợi nhuận) đang tìm cách kiếm được nhiều tiền hơn từ coin của họ.

Mặc dù vậy, triển vọng dài hạn cho Polkadot vẫn mạnh mẽ và dự án có cộng đồng người theo dõi tích cực, tận tâm cùng với nhóm phát triển giàu kinh nghiệm do đồng sáng lập Ethereum, Tiến sĩ Gavin Wood, dẫn đầu.

Sự kiện ra mắt Moonbeam thực sự có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với Polkadot vì khả năng tương thích chuỗi chéo hiện đang hoạt động và các dự án parachain khác sẽ nhanh chóng bắt đầu khởi chạy trên mainnet, nhưng vẫn còn phải xem mạng sẽ mất bao lâu để bắt kịp các đối thủ cạnh tranh L1 khác trong khi họ đang hướng đến khởi động tương tác xuyên chuỗi và gia tăng hoạt động on-chain.

TapchiBTC