Bitcoin hay các loại tiền mã hóa khác từ lâu đã bị xem là những công cụ rửa tiền, mặc dù chưa có những bằng chứng xác thực rõ ràng nhất.
Tuy nhiên, mới đây, cảnh sát Nhật Bản đã công bố số liệu cho thấy trong thời gian 10 tháng đầu năm 2018 (từ tháng 1- tháng 10/2018) đã có gần 6.000 giao dịch trên sàn giao dịch tiền mã hóa.
Con số này phản ánh mức tăng 800% so với 669 trường hợp được báo cáo từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2017.
Với những con số gây sốc này, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản tin rằng sự gia tăng vi phạm được gây ra chủ yếu bởi các yếu tố kỹ thuật. Vào tháng 4 năm 2017, chính quyền Nhật Bản đã sửa đổi luật về ngăn chặn chuyển tiền do phạm tội mà có và yêu cầu từ nhà điều hành sàn giao dịch tiền mã hóa đó báo cáo về các giao dịch đáng ngờ có thể liên quan đến rửa tiền hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác.
Khi các doanh nghiệp đang làm quen với hệ thống thông báo và học cách phát hiện các hoạt động đáng ngờ, số lượng các trường hợp được báo cáo đang gia tăng.
Trong một báo cáo riêng, Ủy ban An toàn Công cộng Quốc gia Nhật Bản nhấn mạnh rằng các giao dịch tiền mã hóa có thể được sử dụng bởi bọn tội phạm để chuyển số tiền thu được từ các nguồn bất hợp pháp. Bản chất ẩn danh của một số đồng tiền và không có khả năng theo dõi người gửi, người nhận cho phép chuyển tiền ra nước ngoài và che đậy dấu vết.
Các quan chức giải thích rằng rất khó để theo dõi các khoản tiền kiếm được bất hợp pháp được giao dịch dưới dạng tài sản kỹ thuật số vì không có quy tắc và quy định chung nào được áp dụng cho tiền mã hóa.
Scott Dueweke, một nhà tư vấn an ninh không gian mạng tại Washington, từng cho biết: Việc trao đổi tài sản mã hoá có thể diễn ra mà không cần một cơ quan quản lý nào cấp quyền,” làm cho chúng “thích hợp cho việc rửa tiền”. TS. Nguyễn Trí Hiếu từng bày tỏ lo ngại việc đầu tư vào Bitcoin nói riêng hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả nhà đầu tư và Chính phủ.
“Chẳng hạn nếu muốn chuyển USD từ Việt Nam ra nước ngoài, thì trước hết phải dùng VND mua USD, dùng USD mua Bitcoin, sau đó giao dịch trên sàn hoặc chuyển trực tiếp cho người nhận. Khi sở hữu Bitcoin, người nhận sẽ hoán đổi nó sang đồng USD. Khi đó, USD sẽ được dùng để mua sắm, mở tài khoản ngân hàng, nhằm hợp thức hóa giao dịch đồng tiền “bẩn”. Điều này sẽ tiếp tay cho hoạt động rửa tiền” – TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Chính vì yếu tố ẩn danh, không bị quản lý, dẫn đến bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác có thể bị tội phạm sử dụng cho việc rửa tiền nên NHNN Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán.
Theo đó, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bitcoin và các loại tiền ảo khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Từ ngày 1.1.2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Kể từ khi làn sóng khai thác và trao đổi bitcoin nổi lên, NHNN Việt Nam đã luôn khẳng định: Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Blogtienao